Lý Thái Tông 李太宗 (1000-1054) tên là Lý Phật Mã 李佛瑪, huý Đức Chính, sinh ngày 26 tháng 6 năm Canh Tý (1000) tại châu Cổ Pháp, lộ Bắc Giang, con trưởng của vua Lý Thái Tổ. Ông lên ngôi năm 1028, ở ngôi 27 năm, mất ngày 1 tháng Mười năm Giáp Ngọ (1054), làm vua trong đời thịnh trị của nhà Lý. Ông là người thông minh, lập được nhiều chiến công, thích nghiên cứu sách vở, thơ văn, âm nhạc và đạo Phật, luôn quan tâm đến đời sống của dân chúng, coi trọng việc mở mang kinh tế. Ông thường hay bàn bạc về giáo lý nhà Phật với các bậc thiền lão. Lê Quý Đôn (trong Toàn Việt thi lục) từng so sánh Lý Thái Tông với vua Quang Vũ nhà Hán. Ông mất ngày 1 tháng Mười năm Giáp ngọ (tức ngày 3 tháng Mười một năm 1054), làm vua 27 năm, thọ 55 tuổi.
Tác phẩm: hiện còn 2 bài chiếu, 2 bài thơ. Ngoài ra, vào năm 1042, ông còn ra lệnh cho một số quan lại đương thời biên soạn bộ Hình thư làm nền tảng pháp luật của triều đại mình. Tác phẩm này hiện đã mất.
今存福妄自尊大,竊號施令,聚蜂蠆之眾,毒邊鄙之民。朕以之恭行天討,俘存福等五人,并斬之于都市。 Bình Nùng Chiếu
Trẫm tự hữu thiên hạ dĩ lai, tướng tướng chư thần my khuy đại tiết. Dị phương thù vực bất lai thần. Nhi chư Nùng thế thủ phong cương, thường cung quyết cống.
Kim Tồn Phúc vọng tự tôn đại, thiết hiệu thi lệnh, tụ phong mại chi chúng, độc biên bỉ chi dân. Trẫm dĩ chi cung hành thiên thảo, phu Tồn Phúc đẳng ngũ nhân, tính trảm chi vu đô thị.
Dịch nghĩa
Trẫm từ làm chủ thiên hạ tới nay, các bề tôi văn võ, không người nào dám bỏ tiết lớn; phương xa cõi lạ, không thần phục. Mà họ Nùng đời này qua đời khác cũng giữ yên bờ cõi được phong, hàng năm nộp đều cống phẩm.
Nay, Tồn Phúc càn rỡ, tự tôn tự đại, tiếm xưng vị hiệu, ban hành chính lệnh, tụ tập quân ông kiến, làm hại dân biên thuỳ. Vì thế, trẫm cung kính thi hành mệnh trời trách phạt, bắt được bọn Tồn Phúc, gồm năm người, đều đem chém đầu ở chợ. (Nguyễn Đức Vân)
Thị chư thiền lão tham vấn thiền chỉ Bát nhã chân vô tông, Nhân không, ngã diệc không. Quá hiện vị lai Phật, Pháp tính bản tương đồng.
Dịch nghĩa
Trả lời các vị thiền lão hỏi về yếu chỉ đạo thiền Trí tuệ bát nhã không thuộc tông phái nào (tông phái vô tông, ý chỉ tông yếu của mọi tông phái, cốt lõi của Phật giáo) Không phải Người, cũng không phải Ta Các vị Phật của quá khứ, hiện tại và tương lai Vốn cùng chung một Pháp tính.
Dịch thơ
Chẳng gốc nào sinh trí tuệ ra, Không là ai, cũng chẳng là ta. Phật nay, Phật trước, nghìn sau mãi... Vẫn chỉ là sen nở một tòa. (Nguyễn Tấn Hưng)
******** Bát nhã chả thuộc tông nào Lối người không lối ta vào cũng không Phật thời quá, hiện, mai, đồng Bao la một trái tim hồng cổ kim. (Nguyễn Bá Chung)
******** Trí tuệ giải thoát là vô ngã Người vô ngã ta cũng vô ngã Chư Phật trong ba đời Thể tánh đồng vô ngã. (Thích Chân Thiện)
******** Bát nhã vốn vô tông Người không ta cũng không Trước, giờ, sau vẫn Phật Pháp tính là tương đồng (Xuân Như)
******** Chân như trí huệ vốn khôn cùng Người cũng không mà ta cũng không Phật vẫn ở trong ba thế giới Xưa nay pháp tính vẫn tương đồng (Xuân Như)
******** Bát nhã" thực vô tông, Người không, mình cũng không. Phật trước, nay, sau nữa, Pháp tính vốn tương đồng. (Ngô Tất Tố)
Trong một cuộc đàm đạo, Lý Thái Tông nói: "Bàn về cái tâm của Phật, thánh hiền xưa còn chưa khỏi bị chê bai huống chi những kẻ hậu học. Nay ta muốn cùng các vị trưởng lão trình bày sơ ý nghĩ của mình, mỗi người hãy đọc môt câu kệ xem ý tứ thế nào?". Mọi người đang suy nghĩ thì nhà vua đã đọc bài kệ này.
Truy tán Pháp Vân tự Tì-ni-đa-lưu-chi thiền sư Sáng tự* Nam lai quốc, Văn quân cửu tập thiền. Ứng khai chư Phật tín, Viễn hợp nhất tâm nguyên. Hạo hạo Lăng Già nguyệt, Phân phân Bát Nhã liên. Hà thời lâm diện kiến, Tương dữ thoại trùng huyền.
Dịch nghĩa
Truy tán thiền sư Tì-ni-đa-lưu-chi thiền chùa Pháp Vân Lần đầu đến nước Nam, Được biết người am hiểu rất sâu sắc đạo Thiền. Nên đã mở rộng giáo lý của các phật, Khiến người đời sau hoà hợp được với cội nguồn chữ tâm. Trăng Lăng Già sáng vằng vặc, Sen Bát nhã ngát hương thơm. Bao giờ được gặp mặt nhau, Để cùng đàm luận về lý lẽ vô cùng huyền diệu.
Dịch thơ
Mở lối nước Nam đến, Nghe Ngài giỏi tập thiền. Hiện bày các Phật tín, Xa hiệp một nguồn tâm. Trăng Lăng Già sáng rỡ, Hoa Bát Nhã ngạt ngào. Bao giờ được gặp mặt, Cùng nhau bàn đạo huyền. (Khuyết Danh)
******** Cõi Nam đầu bước tới, Nghe đã đượm màu Thiền. Tin phật, mong thêm rộng, Nguồn lòng khéo hợp duyên. Non già trời bóng nguyệt, Cõi Nhã nức mùi sen. Họp mặt chừng bao tá? Cùng nhau giảng lẽ huyền. (Ngô Tất Tố)
******** Nước Nam đặt bước lần đầu, Đã nghe người hiểu rất sâu đạo Thiền. Mở mang giáo lý diệu huyền, Cội nguồn tâm ấy, mọi miền đều ưa. Lăng Già nguyệt tỏ hơn xưa, Chồi sen Bát nhã hương đưa đậm đà. Bao giờ gặp mặt hai ta, Cùng nhau giảng giải sâu xa lẽ huyền. (Phạm Tú Châu)
******** Cầm tích trượng qua chơi Nam quốc, Nghe nhà sư lẩu thuộc đạo thiền. Mở mang phép Phật thâm huyền, Cao xa hoà hợp tâm nguyên một màu. Nguyệt lăng già làu làu ánh sáng, Thuyền bát nhã thoang thoảng mùi hương. Bao giờ lại tiếp dung cuông, Cùng nhau đàm luận mọi đường huyền vi. (Phạm Trọng Điềm)
*Sáng tự: "Hoàng Việt thi tuyển" chép là "sáng tự", có bản chép là "phi tích". Tích tức là gậy tích trượng của nhà sư thường cầm. Phi tích ý nói nhà sư cầm tích trượng đi du hành.
Thiền sư Tì-ni-đa-lưu-chi người Nam Thiên Trúc (Nam Ấn Độ) dòng Bà-la-môn tên Vinitaruci. Thuở nhỏ đã có chí khác thường, đi khắp miền Tây Trúc (Tây Ấn Độ) để tham khảo Thiền tông. Nhưng vì cơ duyên chưa gặp, Sư lại sang Đông Nam. Đến niên hiệu Đại Tường năm thứ hai nhà Chu (580), Sư sang Việt Nam trụ trì tại chùa Pháp Vân đến khi viên tịch. Về sau, vua Lý Thái Tông (1028-1054) làm bài kệ truy tán này phong tặng Sư.