Giang Hồ Tiếu là tên bản nhạc chủ đề trong bộ phim Thần Điêu Hiệp Lữ (Thần Điêu Đại Hiệp) của đạo diễn Trương Kỷ Trung được chuyển thể từ tiểu thuyết Kim Dung.
Giang Hồ Tiếu đã thể hiện thật đạt không khí của bộ phim, thể hiện tinh thần tiêu dao tự tại mà vẫn khí phách anh hùng, ngang dọc trời đất mà trong lòng vẫn nặng chữ “Tình”. Đặc Biệt hơn nữa, Clip Giang Hồ Tiếu này được người chơi dựng lên hoàn toàn bằng các khung cảnh 3D vô cùng chân thực trong Cửu Âm Chân Kinh https://www.youtube.com/watch?feature=player_embedded&v=lLr-pd5Bqj8
Giang hồ tiếu được năm giọng ca nam là Hoàng Hiểu Minh, Trương Kỉ Trung, Hồ Quân, Chu Hoa Kiện và Tiểu Trùng thể hiện rất mạnh mẽ, hào sảng. Có lẽ việc bài hát được tới năm giọng nam thể hiện không phải là ngẫu nhiên hay chỉ để “ai cũng có phần”
Giang hồ cười ngạo tan ân oán, Cười nụ giấu dao ta xuất chiêu, Hồng trần ngạo nghễ cười cô độc, Ta đâu với tới trái tim cao.
Nghe “cuồng” giống Dương Quá. Đó là cảm giác đầu tiên khi nghe bài hát này. Một đại hiệp độc hành, cười ngạo nghễ trên giang hồ, cười cả với sự cô độc trong chốn hồng trần li loạn.
Trăng vẫn sáng ngời đường muôn nẻo, Năm tháng trôi đi chẳng đổi lòng.
Cũng như tính cách “cuồng” của Dương Quá, cô độc giữa đời, cho dù có là một cậu bé nghịch ngợm lúc mới vào Cổ Mộ, một kẻ sôi lòng muốn báo thù lúc hiểu nhầm Quách Tĩnh và Hoàng Dung, một đại hiệp cụt tay chỉ có thần điêu làm bạn, hay một trang anh hùng uy mãnh đánh bạt vạn quân Mông Cổ. Kẻ cô độc này, lại là kẻ sẵn sàng rơi lệ vì một người con gái:
Chẳng yêu được cũng chẳng thể buông tay Không quên được tình cảm của nàng.
Đến đoạn điệp khúc, giai điệu dồn dập hơn với những câu hát dài hơn:
Nhìn như hoa chẳng phải hoa, như sương chẳng phải sương Dòng nước dạt dào không sao giữ được. Một đời hào tình tráng chí, cốt cách kiêu hùng, Thì ra kẻ anh hùng cũng biết nỗi cô đơn.
Cuộc đời vốn như dòng nước xiết, bao năm hành tẩu kiêu hùng, ngoảnh đầu lại mới thấy mình cô đơn. Ngay từ đầu bài hát, kiếm khách nọ cười trên sự cô độc, nhưng hóa ra ai cũng có lúc sợ cô đơn đấy thôi. Độc Cô Cầu Bại có lẽ là kẻ cô đơn nhất vì kiếm pháp quá thần thông, nhưng hẳn cũng sợ sự cô đơn nhất. Nếu không thế, thì đâu có lấy tên là Cầu Bại – cầu một lần được đánh bại bởi tay kẻ khác? Suy cho cùng, kẻ đánh bại mình là kẻ hiểu mình nhất. Nếu không thì đâu nguyện lòng một đời làm bạn với chim điêu?
Giang hồ cười ngạo thích tiêu dao, Chẳng cần yêu, cũng chẳng cần thù hận. Ngẩng mặt cười lớn quên tất cả, Ta như cơn gió nhẹ thổi qua. Giang hồ cười ngạo thích tiêu dao, Bạn với cầm tiêu, say với rượu. Ngẩng mặt cười lớn quên tất cả, Ta như cơn gió nhẹ thổi qua.
Chung quy, một chữ “cuồng” của Dương Quá hay một chữ “tà” cho Hoàng Dược Sư đó là cái gì vậy? Đó là sự tiêu dao, quên hết yêu hận tình thù. Kiếm khách làm bạn với đàn sáo, bầu rượu túi thơ, tiêu dao hơn cả văn nhân. Cuộc đời bất quá trăm năm, anh danh một đời chỉ như cơn gió, sự yêu ghét chỉ là cảm giác chứ đâu có hình hài? Tư tưởng của Kim Dung luôn là vậy, đến cuối truyện, thường là các nhân vật sẽ đi theo hướng tư tưởng thoát tục.
Kết thúc "Thần Điêu Đại Hiệp", Dương Quá thành Tây cuồng, Nhất Đăng Đại Sư cũng rũ bỏ nốt chữ “đế”, là tàn dư cuối cùng của quyền thế, đổi Nam đế thành Nam tăng. Chỉ có Quách Tĩnh vẫn làm Bắc hiệp, tích cực xuất thế, nhưng ai đọc lịch sử cũng hiểu cho dù xuất thế thì nhà Tống vẫn cứ mất vào tay người Mông Cổ. Suy cho cùng, Nam tăng Bắc hiệp, Đông tà Tây cuồng cũng là cơn gió nhẹ thổi qua giang hồ mà thôi! Cũng vì thế mà sau tất cả, chỉ còn lại một hình bóng, một tiếng Giang hồ tiếu - cái cười tiêu dao rũ sạch trần ai...
Giang hồ tiếu, ân oán tận, Người xuất chiêu, tiếng cười ẩn gươm đao. Trần gian ngạo nghễ, cười cô tịch, Tâm cao ngời, làm sao với tới? Trăng sáng rọi, đường xa xôi, Người có thể già, tâm không hề lão! Yêu không được, bỏ không đành, Chẳng quên được nét đẹp của người. Dường như... là hoa mà không phải hoa, là sương mà chẳng phải sương... Sóng nước cuồn cuộn chảy không ngừng. Một thân hào tình, hùng tâm tráng chí. Tự cổ anh hùng thường cô độc. Giang hồ tiếu, tình tự tại, Cầm sáo hòa ca, rót chén rượu đầy, Ngước nhìn trời, cười quên thế sự; Thênh thang như gió, nhẹ nhàng mà bay
Thưởng thức khúc "Giang Hồ Tiếu" trong Cửu Âm Chân Kinh