Đỗ Phủ 杜甫 (712-770) tự Tử Mĩ, hiệu Thảo Đường, người đời sau gọi là Đỗ Thiếu Lăng, Đỗ Lăng Tẩu, Đỗ Công Bộ hay còn gọi là Lão Đỗ để phân biệt với Tiểu Đỗ là Đỗ Mục. Ông sinh ra và lớn lên trong một gia đình quan lại lâu đời ở huyện Củng, nay thuộc tỉnh Hà Nam. Ông nội là Đỗ Thẩm Ngôn, một nhà thơ nổi tiếng thời Sơ Đường. Cha là Đỗ Nhàn, có làm quan.
Thời niên thiếu tính từ năm 712 khi ông mới chào đời cho đến năm 746 kết thúc đợt ngao du lần thứ ba, với khoảng thời gian 35 năm, Đỗ Phủ sống giữa thời kỳ phồn vinh của xã hội phong kiến thời Đường. Công việc chính của ông lúc này là làm thơ, ngao du sơn thủy. Với trí thông minh hơn người, Đỗ Phủ bắt đầu sáng tác thơ ca vào lúc bẩy tuổi. Tài cộng với sự cần cù nhẫn nại: "Đọc sách vỡ muôn quyển, Hạ bút như có thần" (Phụng tặng Vi tả thừa trượng nhị thập nhị vận) khiến ông đến năm mười bốn tuổi đã trở thành nhà thơ trẻ được các bậc đàn anh mến phục.
Ông còn được các nhà tinh thông âm luật như Lý Phạm, Thôi Điều, danh ca Lý Quy Niên,... mến chuộng. Điều đó chứng tỏ ông còn là một nhà thẩm âm thành thạo.
Năm hai mươi tuổi, đúng vào thời kỳ cực thịnh của thời Đường, "Đi xa không phải chọn ngày tốt", Đỗ Phủ bắt đầu đi ngao du trước sau ba lần với khoảng thời gian trên dưới mười năm.
Lần thứ nhất ông đi suốt cả vùng Ngô Việt, Kim Lăng, Tường Châu, Tô Châu, Sơn Âm, Tiền Đường. Năm hai mươi bốn tuổi, ông trở về Lạc Dương thi tiến sĩ. Tuy thi hỏng nhưng ông rất bình thản, tiếp tục cuộc sống ngao du.
Lần thứ hai ông đến vùng Tề Triệu, một dải Hà Nam, Sơn Đông, Hà Bắc, ngao du và săn bắt là việc làm chính của ông trong thời kỳ này. Năm 744, ông gặp Lý Bạch tại Lạc Dương. Đại thi hào Lý Bạch hơn ông mười một tuổi lúc này mới từ Trường An trở về vì sự dèm pha của Cao Lực Sĩ.
Lần thứ ba Đỗ Phủ cùng Lý Bạch, Cao Thích rủ nhau đi săn bắn, uống rượu ngâm thơ, thăm hỏi kẻ ẩn sĩ gần xa. Mùa thu năm sau (745) hai người chia tay tại quận Lỗ (Duyện Châu, Sơn Đông). Từ đó hai người không gặp nhau lần nào nữa, nhưng tình bạn thì gắn bó suốt đời...
Những năm ngao du sơn thủy này đã bồi dưỡng tinh thần lạc quan yêu đời và lòng dũng cảm, góp phần làm phong phú nội dung và phong cách thơ ca của Đỗ Phủ. Những bài thơ của Đỗ Phủ sáng tác trong thời kỳ này được truyền lại không nhiều nhưng những bài như: Họa ưng, Vọng nhạc, Tráng du, Phòng binh tào hồ mã,... cho thấy phần nào tài năng xuất chúng của nhà thơ từ những ngày còn trẻ.
Năm 746, sau khi chia tay Lý Bạch, Đỗ Phủ trở về Trường An, kết thúc quãng đời ngao du đó đây. Lần này ông trở về không ngoài mục đích thực hiện hoài bão từ lâu ấp ủ trong lòng: "Trí quân Nghiêu Thuấn thượng, Tái sử phong tục thuần" (Phụng tặng Vi tả thừa trượng nhị thập nhị vận). Đó chính là ước mơ và lý tưởng chính trị của ông. Theo ông thì đó là con đường duy nhất để thực hiện lý tưởng đó là phải thi đỗ và làm quan. Nhưng tiếc thay, đến đâu ông cũng vấp phải trở ngại. Lúc này Đường Huyền Tông bỏ bê triều chính, giao phó mọi việc cho hai tên gian thần là Lý Lâm Phủ và Dương Quốc Trung. Tuy Đường Huyền Tông hạ chiếu ai có tài thì đi dự thi, nhưng trong khóa thi này Tể tướng Lý Lâm Phủ đánh hỏng hết tất cả các thí sinh để khoe rằng trong những khóa thi trước y sáng suốt lựa chọn hết nhân tài, nên bây giờ chẳng còn một ai và đây cũng là dịp để Lý Lâm Phủ chặn đường tiến cử hiền tài, nhằm củng cố thế lực của phe cánh y. Đỗ Phủ cũng như những thí sinh khác trong đó có Nguyên Kết, một nhà thơ nổi tiếng thời Đường bị đánh hỏng. Từ đây Đỗ Phủ nhận thức đầy đủ hơn bộ mặt chính trị nhà Đường do bọn gian quan nịnh thần khống chế. Để tìm lối thoát, nhiều lần ông gặp gỡ, dâng thư cho các bậc quyền quý mong được tiến cử, nhưng không có kết quả mà cuộc sống thì ngày càng nghèo khốn.
Năm 751, nhân Đường Huyền Tông cử hành đại lễ, Đỗ Phủ dâng lên "Tam đại lễ phú", được Đường Huyền tông khen ngợi cho ghi tên vào Tập hiền viện, chờ bổ dụng nhưng vì bị Lý Lâm Phủ cản trở nên Đỗ Phủ chờ mãi vẫn không có tin gì. Mãi đến năm 755, Đỗ Phủ được bổ làm Hà Tây huyện úy. Mặc dù bao năm sống khổ cực ở đất Trường An nhưng Đỗ Phủ quyết không nhậm chức vì chức huyện úy này buộc ông phải cúi đầu vâng lệnh quan trên, đánh đập kẻ dưới. Bị ông cự tuyệt giai cấp thống trị nhà Đường giao cho ông chức quản lý kho quân giới. Thật mỉa mai thay, một con người nuôi hy vọng giúp vua vượt Nghiêu Thuấn giờ đây chỉ làm anh quản lý kho! Đỗ Phủ nhận chức, ông xin phép về huyện Phụng Tiên thuộc tỉnh Thiểm Tây thăm gia đình. Có ngờ đâu khi vừa về đến nhà thì đứa con trai đã chết đói.
Từ năm 746 đến năm 755, vì thất ý trên con đường công danh, lại thêm cuộc sống gian nan cực khổ, Đỗ Phủ đã sáng tác hàng loạt bài thơ giàu tính hiện thực xúc động lòng người. Lệ nhân hành, Binh xa hành, Xuất tái, Vịnh hoài ngũ bách tự,... đánh dấu khởi điểm mới trong sáng tác của nhà thơ, một bước phát triển mới trong phong cách sáng tác hiện thực phê phán.
Trong số những bài thơ sáng tác thời kỳ này có thể kể bài "Tự kinh phó Phụng Tiên vịnh hoài ngũ bách tự" là bài thơ tổng kết mười năm khốn khổ trên đất Trường An của ông.
Cùng lúc Đỗ Phủ ra làm quan thì thời cuộc cũng có những biến đổi lớn lao. Tháng 11 năm 755, An Lộc Sơn nổi loạn ở Phạm Dương và nhanh chống đánh xuống Lạc Dương, Đồng Quan, Trường An. Tháng 8 năm 756, nghe tin Lý Hanh con của Đường Minh Hoàng lên ngôi ở Linh vũ lấy hiệu Đường Túc Tông, Đỗ Phủ tìm Túc Tông. Giữa đường ông bị giặc bắt giải về Trường An. Nửa năm trời sống trong vùng địch tận mắt thấy cảnh đất nước bị dày xéo, ông viết khá nhiều bài thơ lâm ly, thống thiết như: Bi Trần Đào, Bi Thanh Bản, Xuân vọng, Ai giang đầu,...
Tháng giêng năm Chí Đức thứ nhất (756), không chịu hợp tác với giặc, Đỗ Phủ không quản nguy hiểm tìm đường chốn khỏi Trường An tìm về Phụng Tường, nơi chính quyền mới đóng. Đỗ Phủ được giữ chức Tả thập di. Tháng 9 năm 757, quân nhà Đường lấy lại được Trường An, Đỗ Phủ bèn đưa gia quyến về Trường An.
Ở Trường An không được bao lâu, vì dâng sớ cứu Phùng Quán thua trận Trần Đào, nên Đỗ Phủ bị gian thần hãm hại. Tháng 6 năm 758, ông bị biếm ra làm Tư công tham quân, một chức quan coi việc tế tự nghi lễ ở Hoa Châu. Mùa xuân năm 759, trên đường từ Lạc Dương đi Hoa Châu, nhìn thấy cảnh đau thương vô hạn của nhân dân ông viết sáu bài thơ nổi tiếng "Tam biệt" và "Tam lại" được người đời truyền tụng.
Tháng 7 năm 759, Đỗ Phủ xin từ quan đưa gia đình từ Hoa Châu đến Đồng Cốc. Tại đây, ông phải đi lượm hạt dẻ, đào hoàng tinh bao phen trở về tay không, con cái đói meo kêu khóc. Ông làm bảy bài "Càn Nguyên Đồng Cốc huyện tác ca" than thở cảnh khốn cùng lưu lạc, xa cách anh em. Chưa đầy hai tháng, ông lại từ Đồng Cốc đến Thành Đô - Tứ Xuyên. Mùa xuân năm 760, nhờ sự giúp đỡ của bạn bè ông dựng mái nhà tranh bên suối Hoãn Hoa, đặt tên là Thảo Đường. Ông gửi thư đi các nơi xin đào, lý, mai, cúc,... các thứ cỏ hoa về trồng. Thảo Đường ở phía tây, quay lưng vào quách Thành Đô, ngoài là đường Thạch Tuân, phường Bích Khê, phía bắc đầm Bách Hoa, phía tây cầu Vạn Lý, suối Hoãn Hoa, gần sông Cẩm, phía tây bắc trông ra núi Tây Lĩnh quanh năm tuyết phủ. Phong cảnh hữu tình, ngôi nhà nhỏ càng đượm màu thanh nhã...
Lúc này Thành Đô chưa có nạn binh đao. Ông được sống những ngày thư thái, đánh cờ với vợ, câu cá cùng con, uống rượu với người trong xóm. Ông sinh sống bằng chính mảnh đất của mình, trồng cây thuốc cây ngô. Thế là trong sáng tác xuất hiện một khoảng trời nghệ thuật mới với vẻ đẹp đẹp hoà bình, êm ả của thiên nhiên, xoa dịu những vất vả đắng cay trong cơn loạn lạc. Sáng tác thời kỳ này của ông chủ yếu là thể loại tuyệt cú, tả cảnh điền viên sơn thuỷ và gửi gắm ước mơ trở về cố hương...
Tuy nhiên cảnh yên bình ấy không kéo dài được lâu. Mùa thu năm ấy, một cơn gió lốc lật mất mái tranh Thảo Đường, ông làm bài thơ nổi tiếng "Mao ốc vi thu phong sở phá ca", mơ ước "Có ngôi nhà lớn muôn gian để che chở cho kẻ nghèo khắp thiên hạ. Bao giờ nhà lớn sừng sững hiện ra, riêng lều ta nát, chịu chết rét cũng được". Đầu năm Bảo Ứng (762) vì loạn ông đưa gia đình chạy loạn khắp nơi, gần hai năm sau mới trở về lại mái nhà tranh ở Thành Đô. Được Nghiêm Vũ tiến cử, Đỗ Phủ nhận chức Kiểm hiệu công bộ viên ngoại lang. Nghiêm Vũ mất, ông cũng thôi việc. Lúc này bao bạn thân của ông như Lý Bạch, Cao Thích lần lượt từ giã cõi đời, để lại cho ông nỗi buồn vô hạn. Ông lại phiêu bạt tới vùng Quỳ Châu.
Qua bao nhiêu năm lưu lạc gian nan, giờ đây sức yếu, tuổi già, ông thường xuyên bị bệnh. Quỳ Châu là nơi có nhiều di tích nổi tiếng như thành Bạch Đế, Bát trận đồ của Gia Cát Võ Hầu, nhà Tống Ngọc, Dữu Tín,... nên ông làm năm bài "Chư tướng", năm bài "Vịnh hoài cổ tích", tám bài "Thu hứng" nổi tiếng. Trong hai năm ở Quỳ Châu ông sáng tác 437 bài thơ, chiếm ba phần mười toàn bộ thơ ca của ông, thơ luật chiếm đa số. Chất hiện thực trong thơ ông không thay đổi, vẫn dạt dào tình cảm yêu nước, yêu dân, tuy âm điệu có phần bi thương hơn trước. Ông bỏ công làm thơ luật nhiều hơn trước và đã đẽo gọt, đưa thơ luật lên đến đỉnh cao của nó.
Năm Đại Lịch thứ 3 (768), Đỗ Phủ rời Quỳ Châu, lênh đênh trôi dạt khắp nơi đến Giang Lăng, Công An (Hồ Bắc), Nhạc Châu (Nhạc Dương, Hồ Bắc), rồi theo sông Tương ra Đàm Châu (Tương Đàm, Hồ Nam). Ở đây ông gặp lại danh ca Lý Quy Niên và làm bài tuyệt cú "Giang Nam phùng Lý Quy Niên" nổi tiếng. Đàm Châu có loạn, Đỗ Phủ lại cùng vợ con xuống thuyền đi Hành Châu (Hành Dương, Hồ Nam), dự định theo sông Hán về Trường An. Cuộc sống đói rét, bệnh tật, phiêu bạt cứ dày vò nhà thơ mãi. Mùa đông năm 770, bệnh tật nằm trên thuyền nghe gió thổi, Đỗ Phủ làm bài thơ ba mươi sáu vần "Phong tật chu trung phục chẩm thư hoài". Đó cũng là thiên tuyệt bút của nhà thơ, vì chẳng bao lâu sau, mùa đông năm Đại Lịch thứ năm (770), Đỗ Phủ nhắm mắt lìa đời trong chiếc thuyền rách nát lênh đênh trên sông Tương. Những bước thăng trầm mà trầm nhiều hơn thăng của cuộc đời nhà thơ kết thúc.
Các nhà thơ Đường hiếm có ai nghèo khổ, lao đao và chịu ảnh hưởng của chiến tranh và loạn lạc nhiều như ông. Sau khi Đỗ Phủ tạ thế, gia nhân vì nghèo túng quá, đành phải tạm đặt linh cữu thi sĩ tại Nhạc Châu (Nhạc Dương, Hoài Nam). Đến đời cháu là Đỗ Tự Nghiệp, mới đến Nhạc Châu, đem linh thần về táng tại chân núi Thủ Dương, ở Lạc Dương (Hà Nam), gần mộ Đỗ Dự và Đỗ Thẩm Ngôn.
Khi Đỗ Tự Nghiệp đưa linh thân Đỗ Phủ qua Kinh Châu, có gặp thi sĩ Nguyên Chẩn trên đường đi. Nguyên Chẩn viết một bài minh đề trên mộ Đỗ Phủ, nói rằng: "Từ khi có thi nhân đến giờ, không có ai vĩ đại bằng Tử Mỹ!". Đúng thế, Đỗ Phủ chẳng những vĩ đại đối với Trung Quốc mà còn vĩ đại đối với cả nhân loại nữa...
Thiếu Lăng dã lão thôn thanh khốc, Xuân nhật tiềm hành Khúc giang khúc. Giang đầu cung điện toả thiên môn, Tế liễu tân bồ vị thuỳ lục ? Ức tích nghê tinh há nam uyển, Uyển trung vạn vật sinh nhan sắc. Chiêu Dương điện lý đệ nhất nhân, Đồng liễn tuỳ quân tại quân trắc. Liễn tiền tài nhân đới cung tiễn, Bạch mã tước nghiệt hoàng kim lặc. Phiên thân hướng thiên ngưỡng xạ vân, Nhất tiếu chính truỵ song phi dực. Minh mâu hạo xỉ kim hà tại ? Huyết ô du hồn quy bất đắc. Thanh Vị đông lưu, Kiếm Các thâm, Khứ trú bỉ thử vô tiêu tức. Nhân sinh hữu tình lệ triêm ức, Giang thuỷ giang hoa khởi chung cực. Hoàng hôn Hồ kỵ trần mãn thành, Dục vãng thành nam vọng thành bắc.
Thương đầu sông (Người dịch: Hoàng Tạo, Tương Như)
Ông già Thiếu Lăng nghẹn ngào khóc, Ngày xuân thui thủi khúc sông Khúc. Bên sông cung điện khoá nơi nơi, Bồ liễu vì ai khoe thắm lục? Nhớ thuở bóng cờ xuống vườn nam, Vườn nam cảnh vật bừng sắc hương! Trong điện Chiêu Dương người bậc nhất, Cùng xe ngồi cạnh đức quân vương. Trước xe thể nữ đeo cung tên, Ngựa bạch ngậm chiếc nhàm hoàng kim, Né mình nhìn trời nhằm mây bắn, Một nụ cười rơi cả đôi chim. Mặt ngọc răng ngà vắng bấy lâu, Máu hoen hồn lạc biết về đâu! Vị Thuỷ xuôi đông, Kiếm Các vắng, Khuất, còn, vắng bặt tăm hơi nhau! Việc đời nghĩ lại lệ ướt ngực, Hoa, nước trên sông... đâu cùng cực? Ngựa Hồ về tối, bụi đầy thành, Ta muốn về nam, hoá sang bắc!
Tướng quân Nguỵ Vũ chi tử tôn Ư kim vi thứ vi thanh môn Anh hùng cát cứ tuy dĩ hĩ Văn thái phong lưu kim thượng tồn Học thư sơ học Vệ phu nhân Đãn hận vô quá Vương Hữu Quân Đan thanh bất chi lão tương chí Phú quý ư ngã như phù vân Khai Nguyên chi trung thường dẫn kiến Thừa ân sác thướng Nam Huân điện Lăng Yên công thần thiểu nhan sắc Tướng quân hạ bút khai sinh diện Lương tướng đầu thượng tiến hiền quan Mãnh tướng yêu gian đại vũ tiễn Bao công, Ngạc công mao phát động Anh tư táp sảng lai hàm chiến Tiên đế thiên mã Ngọc Hoa Thông Hoạ công như sơn mạc bất đồng Thị nhật khiên lai xích trì hạ Quýnh lập xướng hạp sinh trường phong Chiếu vị tướng quân phất quyên tố Ý tượng thảm đạm kinh dinh trung Tư tu cửu trùng chân long xuất Nhất tiễn vạn cổ phàm mã không Ngọc Hoa khước tại ngự tháp thượng Tháp thượng đình tiền ngật tương hướng Chí tôn hàm tiếu thôi tứ kim Ngữ nhân thái bộc giai trù trướng Đệ tử Hàn Cán tảo nhập thất Diệc năng hoạ mã cùng thù tướng Cán tuy hoạ nhục bất hoạ cốt Nhẫn sử Hoa Lưu khí điêu táng Tướng quân thiện hoạ cái hữu thần Ngẫu phùng giai sĩ diệc tả chân Tức kim phiêu bạc can qua tế Lũ mạc tầm thường hành lộ nhân. Đồ cùng phản tao tục nhãn bạch. Thế thượng vị hữu như công bần. Đãn khan cổ tại thịnh danh hạ, Chung nhật khảm lẫm triền kỳ thân.
Nghề vẽ - Tặng tướng quân Tào Bá (Người dịch: Nguyễn Phước Hậu)
Tướng quân: Nguỵ đế cháu con dòng Nay chỉ dân thường sống sạch trong. Chiếm đất xưng hùng xưa đã hết Cuộc đời vẫn giữ nét gia phong. Mới đầu học viết Vệ phu nhân Vẫn hận chưa hơn Vương Hữu Quân Mê hội hoạ quên già sắp đến Giàu sang danh vọng tựa phù vân. Chầu vua thường bửa buổi Nguyên Khai Bức hoạ Lăng Yên nét đã phai Đền đáp ơn lên Nam Huân điện Tướng quân phất bút hoạ phô tài. Tên lớn ngang lưng ông tướng võ Tiến triều đội mũ các quan văn Rung rinh râu tóc ông Bao, Ngạc Dáng mạnh mẽ trông khí thế hăng. Tiên vương yêu ngựa Ngọc Hoa Thông Hoạ sĩ nhiều lần vẽ chẳng xong Hôm ấy vua sai đem ngựa tới Phi nhanh gió thổi bạt thềm cung. Vua truyền ông rũ màn tơ trắng Chăm chú tinh thần thợ dựng công. Lũ ngựa tầm thường đều sợ hãi Hiện ra trước bệ một con rồng. Con Ngọc Hoa Thông trước bệ chờ Ngựa sân ngựa sập giống in hơ Mĩm cười vua giục ban vàng tặng Coi ngựa vua quan thật ngẩn ngơ. Học trò Hàn Cán sớm theo ông Vẽ ngựa nổi danh cũng lắm công Nhưng nét Hoa Lưu không khí thế Hoạ ra được "thịt" chẳng ra "xương". Tướng quân khéo vẽ nét truyền thần Gặp kẻ nhiều tài cũng tả chân Xiêu dạt đến nay trong loạn lạc Bên đường từng bửa vẽ hành nhân. Đường cùng gặp gỡ người phàm tục Cuộc sống ai nghèo đến tướng quân Xem đó xưa nay người nổi tiếng Suốt ngày lận đận để nuôi thân.
Độc nhiễu hư trai kính, Thường trì tiểu phủ kha. U âm thành pha tạp, Ác mộc tiễn hoàn đa. Cẩu kỷ nhân ngô hữu, Kê thê nại nhữ hà. Phương tri bất tài giả, Sinh trưởng mạn bà sa.
Ghét cây (Người dịch: Phan Ngọc)
Mày làm chật đường lối Ta cầm búa ở tay Chen chúc đường rậm tối Cây hoang chặt bỏ ngay Cây cần ta phải giữ Gà qué cần đến mày Mới hay thứ vô dụng Sao mà sống tràn đầy?
Cải tịch đài năng quýnh, Lưu môn nguyệt phục quang. Vân hành di thử thấp, Sơn cốc tiến phong lương. Lão khứ nhất bôi túc, Thuỳ liên lũ vũ trường. Hà tu bả quan chúc, Tự não mấn mao thương.
Lên đài Vác chiếu lên đài rộng Trước cửa ánh trăng tràn Thấp đến, mây đưa nóng Thung lũng xui gió hàn Già rồi say một chén Ai thương kẻ múa tài? Đuốc sáng cần gì đến? Buồn tóc bạc mà thôi
Ngũ thập đầu bạch ông, Nam bắc đào thế nạn. Sơ bố triền khô cốt, Bôn tẩu khổ bất noãn. Dĩ suy bệnh phương nhập, Tứ hải nhất đồ thán. Càn khôn vạn lý nội, Mạc kiến dung thân bạn. Thê nô phức tuỳ ngã, Hồi thủ cộng bi thán. Cố quốc mãng khâu khư, Lân lý các phân tán. Quy lộ tòng thử mê, Thế tận Tương giang ngạn.
Chạy loạn (Người dịch: Khương Hữu Dụng)
Ông đầu bạc năm mươi Nam Bắc tránh loạn lạc Vải thưa quấn xương khô Chạy cùng không ấm xác Già rồi bệnh lấm vào Bốn biển đều khổ cực Muôn dặm đất trời kia Đâu chốn nương thân được Vợ con lại liu điu Quay cùng cùng than xót Quê cũ rợp đống gò Làng xóm đều tan tác Từ đây lú đường về Bờ Tương ngập nước mắt
Đông Đồn nguyệt dạ Bão tật phiêu bình lão, Phòng biên cựu cốc đồn. Xuân nông thân dị tục, Tuế nguyệt tại hành môn. Thanh nữ sương phong trọng, Hoàng ngưu giáp thuỷ huyên. Nê lưu hổ đấu tích, Nguyệt quải khách sầu thôn. Kiều mộc trừng hy ảnh, Khinh vân ỷ tế căn. Sổ kinh văn tước táo, Tạm thuỵ tưởng viên tồn. Nhật chuyển đông phương bạch, Phong lai Bắc Đẩu hôn. Thiên hàn bất thành tẩm, Vô mộng ký quy hồn.
Đêm trăng Đông Đồn (Người dịch: Nhượng Tống)
Phòng biên đồn thóc ngày xưa Phận bèo già ốm bây giờ tới đây Quê người xuân học cấy cầy Nhà tranh lủi thủi tháng ngày vào ra Bò vàng thác réo nước qua Gái xanh sương rụng la dà ngàn phong Trăng treo xóm khách buồn trông Bùn in dấu hổ tranh hùng đánh nhau Bóng thưa lọc dưới cây cao Hơi rừng mây nhẹ tựa vào mỏng không Đàn chim vô tổ hãi hùng Lần cành vượn vẫn nằm mòng phải nao Vầng đông rộng sáng lúc nào Gió lên, Bắc Đẩu ánh sao ngập chìm Lạnh trời không ngủ suốt đêm Hồn quê hết nẻo đi tìm chiêm
Thiên thì nhân sự nhật tương thôi, Đông chí dương sinh xuân hựu lai, Thích tú ngũ văn thiêm nhược tuyến, Xuy hà lục quản động phi hôi. Ngạn dung đãi lạp tương thư liễu, Sơn ý xung hàn dục phóng mai. Vân vật bất thù hương quốc dị, Giao nhi thả phúc chưởng trung bôi.
Cảnh mùa đông (Người dịch: mailang)
Thời trời thế sự giục ngày qua, Đông chuyển sang xuân dương khí hòa. Ngũ sắc gấm thêu chen sợi mảnh, Lục âm sáo thổi động tro hà. Cuối năm bến đợi dương đâm đọt, Khí lạnh non chờ mai nẩy hoa. Mây cảnh khôn dời, quê lại khác, Nâng ly, bảo trẻ rượu châm khà!
萬里流沙道, 西征過北門。 但添新戰骨, 不返舊征魂。 樓角臨風迥, 城陰帶水昏。 傳聲看驛使, 送節向河源。 Đông lâu
Vạn lý lưu sa đạo, Tây chinh quá bắc môn. Đãn thiêm tân chiến cốt, Bất phản cựu chinh hồn. Lâu giốc lâm phong quýnh, Thành âm đới thuỷ hôn. Truyền thanh khán dịch sứ, Tống tiết hướng hà nguyên.
Lầu phía đông (Người dịch: Phan Ngọc)
Cát bay vạn dặm trải Sang Tây qua cửa này Chỉ thêm xương lính mới Hồn lính chẳng về đây Kèn lầu vượt gió thổi Thành Bắc nước triều đầy Có tin báo sứ giả Tìm nguồn sông phía Tây
Đông thâm Hoa diệp tuỳ thiên ý, Giang khê cộng thạch căn. Tảo hà tuỳ loại ảnh, Hàn thuỷ các y ngân. Dị hạ Dương Chu lệ, Nan chiêu Sở khách hồn. Phong đào mạc bất ổn, Xá trạo túc thuỳ môn.
Đông sâu (Người dịch: Phan Ngọc)
Hoa lá theo ý trời Sông khe giữ nền đá Ráng sớm đổi thay hoài Nước lạnh giữ dấu cũ Dương Chu khóc thay đổi Hồn khách Sở khó về Chiều nay sóng gió nổi Chèo thuyền nhà ai giờ?
寂寞書齋裏, 終朝獨爾思。 更尋嘉樹傳, 不忘角弓詩。 短褐風霜入, 還丹日月遲。 未因乘興去, 空有鹿門期。 Đông nhật hữu hoài Lý Bạch Tịch mịch thư trai lý, Chung triêu độc nhĩ tư. Cánh tầm gia thụ truyện, Bất vong giốc cung thi. Đoản hạt phong sương nhập, Hoàn đan nhật nguyệt trì. Vị nhân thừa hứng khứ, Không hữu lộc môn kỳ.
Ngày đông nhớ Lý Bạch (Người dịch: Phan Ngọc) Trong phòng khách suốt ngày v ắng vẻ Cả sáng nay chỉ nghĩ đến anh Thơ anh tôi nhẩm một mình Tìm trong sách chuyện bạn lành nhớ nhau Áo quá ngắn, gió sao dễ thấm Thuốc tiên đâu? Thăm thẳm ngày dài Cách nào cao hứng đi chơi Cái ngày gặp gỡ, hẹn rồi như không
Quân bất kiến Đông Xuyên tiết độ binh mã hùng, Hiệu liệp diệc tự quan thành công. Dạ phát mãnh sĩ tam thiên nhân, Thanh thần hợp vi bộ sậu đồng. Cầm thú dĩ tệ thập thất bát, Sát thanh lạc nhật hồi thương khung. Mạc tiền sinh trí cửu thanh huỷ, Lạc đà lỗi quỵ thuỳ huyền hùng. Đông tây nam bắc bách lý gian, Phảng phật xúc đạp hàn sơn không. Hữu điểu danh cù dục, Lực bất năng cao phi trục tẩu bồng. Nhục vị bất túc đăng đỉnh trở, Hà vị kiến ky ngu la trung. Xuân sưu đông thú hầu đắc đồng, Sứ quân ngũ mã nhất mã thông. Huống kim nhiếp hành đại tướng quyền, Hiệu lệnh pha hữu tiền hiền phong. Phiêu nhiên thì nguy nhất lão ông, Thập niên yếm kiến tinh kỳ hồng. Hỉ quân sĩ tốt thậm chỉnh túc, Vị ngã hồi bí cầm tây nhung. Thảo trung hồ thố tận hà ích, Thiên tử bất tại Hàm Dương cung. Triều đình tuy vô U vương hoạ, Đắc bất ai thống trần tái mông. Ô hô, đắc bất ai thống trần tái mông.
Bài ca đi săn mùa đông (Người dịch: Trần Huy Liệu)
Anh không thấy: Quan tiết độ sứ Đông Xuyên có một đội binh mã oai hùng, Quây săn có vẻ được thành công. Ba nghìn mãnh sĩ đêm ra đi, Sáng sớm bao vây, nhịp điệu chung. Chim muông đã chết mười bảy, tám, Trời lặn, tiếng hò vang trên không. Bắt sống chín con tê ngưu cái, Gấu đen, lạc đà tải trên lưng. Đông tây nam bắc khoảng trăm dặm, Hình như không một chỗ lọt vòng. Có con chim sáo sậu: Sức không bay được cao, Thịt không đủ bỏ vào vạc vào chảo, Vậy mà cũng không thoát khỏi lưới tròng. Năm ngựa, một con điểm sắc tro, Xuân, đông săn bắn khác nào vua. Hôm nay lại nắm quyền đại tướng, Hiệu lệnh, phong độ giống "hiền" xưa. Thời buổi loạn ly, một ông lão, Cờ xí mười năm thấy chán rồi. Mừng ngài: sĩ tốt rất nghiêm chỉnh, Hãy quay về giết giặc đi thôi. Cáo thỏ lùng săn có ích không? Hàm Dương vua đã vắng trong cung. Dầu không như kiếp U vương nữa, Hai chuyến long đong những cực lòng. Chao ôi, hai chuyến long đong những cực lòng.
大麥乾枯小麥黃, 婦女行泣夫走藏。 東至集壁西梁洋, 問誰腰鐮胡與羌。 豈無蜀兵三千人, 部領辛苦江山長。 安得如鳥有羽翅, 托身白雲還故鄉。 Đại mạch hành
Đại mạch can khô tiểu mạch hoàng, Phụ nữ hành khấp phu tẩu tàng. Đông chí tập bích tây lương dương, Vấn thuỳ yêu liêm Hồ dữ Khương. Khởi vô Thục binh tam thiên nhân, Bộ lĩnh tân khổ giang sơn trường. An đắc như điểu hữu vũ sí, Thác thân bạch vân hoàn cố hương.
Lúa cái (Người dịch: Nhượng Tống)
Lúa cái khô lúa con chín rộ Chồng trốn rồi còn vợ khóc lăn Đông Tây mấy quận xa gần Hỏi ai gặt lúa, rặt quân giặc trời Non sông rộng trông coi khó nhọc Dẫu ba nghìn quân Thục ra chi Ước gì mình giống chim kia Nương làn mây bạc bay về quê hương
Diệc tri thú bất phản, Thu chí thức thanh châm. Dĩ cận khổ hàn nguyệt, Huống kinh trường biệt tâm. Ninh từ đảo y quyện, Nhất ký tái viên thâm. Dụng tận khuê trung lực, Quân thính không ngoại âm.
Nện áo (Người dịch: Chi Điền)
Vẫn biết người đi chẳng trở lui, Mùa thu tảng đá vẫn lau chùi. Hàn phong giục giã ngày đông đến, Cô quả buồn tênh cảnh biệt ly! Chày nện áo bông không quản nhọc, Miễn sao gửi được đến tay ai. Phòng khuê sức yếu ra công khó, Mong được chàng nghe tiếng nện chày.
Đông thâm Hoa diệp tuỳ thiên ý, Giang khê cộng thạch căn. Tảo hà tuỳ loại ảnh, Hàn thuỷ các y ngân. Dị hạ Dương Chu lệ, Nan chiêu Sở khách hồn. Phong đào mạc bất ổn, Xá trạo túc thuỳ môn.
Đông sâu (Người dịch: Phan Ngọc)
Hoa lá theo ý trời Sông khe giữ nền đá Ráng sớm đổi thay hoài Nước lạnh giữ dấu cũ Dương Chu khóc thay đổi Hồn khách Sở khó về Chiều nay sóng gió nổi Chèo thuyền nhà ai giờ?
Hà niên Cố Hổ Đầu, Mãn bích hoạ Thương Châu. Xích nhật Thạch Lâm khí, Thanh thiên giang hải lưu. Tích phi thường cận hạc, Bôi độ bất kinh âu. Tự đắc Lư Sơn lộ, Chân tuỳ huệ viễn du.
Đề vách nhà của thiền sư Huyền Vũ (Người dịch: Lê Nguyễn Lưu)
Năm nao Cố Hổ Đầu Đầy vách vẽ Thương Châu Rừng đá vầng dương chói Trời xanh nước biển sâu Gậy bay thường lẫn hạc Chén cỡi vốn quen âu Như đến Lư Sơn dạo Chơi cùng Huệ Viễn lâu